Xây dựng nội dung Facebook cho Homestay mà khách phải đặt phòng

John Doe
Duyen
26/06/2024 · 15 phút đọc

Bạn có biết, ngày nay, phần lớn khách hàng sẽ sử dụng google và facebook để tìm kiếm thông tin trước khi ra quyết định đặt phòng cho chuyến đi của họ? Đó là một cơ hội tốt để tăng chuyển đổi Tỉ Lệ Đặt Phòng và Đặt Phòng Trực Tiếp so với đối thủ cạnh tranh nếu bạn biết tận dụng các nền tảng xã hội để kể câu chuyện về Sự Khác Biệt và lý do khách hàng nên chọn bạn thay vì đối thủ. Việc quảng cáo homestay trên facebook thật sự không quá phức tạp nếu bạn biết cách làm.

Khi làm việc với các Chủ Nhà, chúng mình nhận ra rằng, một số chủ nhà thường đăng các bài viết lên facebook một cách cảm tính theo cảm xúc cá nhân hoặc tập trung quá nhiều vào việc bán hàng. Và vì vậy, nó thiếu sự liên kết đến nội dung khách hàng đang tìm kiếm. Điều này làm giảm mức độ hứng thú của khách hàng khi họ ghé thăm facebook.

Khách hàng có hàng chục lựa chọn khác nhau trước khi quyết định sẽ đặt phòng ở đâu cho kỳ nghỉ của họ. Và nếu bạn biết cách xây dựng nội dung fanpage của mình, nó sẽ thu hút sự chú ý của khách và buộc họ tiếp tục phải kết nối và nhắn tin với bạn.

Các bài viết để quảng cáo homestay trên facebook của bạn, khi được viết một cách đúng hướng giúp CHẠM đến khách hàng.

Trong bài viết này, chúng mình sẽ hướng dẫn bạn cách làm sao để lên kế hoạch và xây dựng nội dung facebook để thu hút khách hàng. Và một khi họ ghé thăm facebook của bạn, họ sẽ muốn kết nối và Đặt Phòng Trực Tiếp với bạn.

Ngày nay, khách hàng dùng facebook và social để ra quyết định

Các ứng dụng OTA như Airbnb, Booking.com, Traveloka … đã làm thay đổi cuộc chơi về Đặt Phòng và Khách Sạn. Hầu hết mọi người sẽ tìm kiếm thông tin Khách sạn/Chỗ Nghỉ từ các kênh này trước …. và cũng giống như bạn, phần lớn các khách sạn cũng sẽ đều tìm cách tối ưu và thu hút khách hàng qua các kênh OTA này.

Tuy nhiên, có một Bí Mật khác về hành vi khách hàng có thể bạn sẽ phải cân nhắc.

“Có một lượng lớn khách hàng sử dụng facebook và social để ra quyết định đặt phòng”

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn lên Airbnb hoặc Booking.com … nhập thông tin địa điểm bạn cần đến và mức giá bạn mong muốn. Airbnb/Booking sẽ giúp bạn “filter” danh mục khách sạn/nhà nghỉ theo nhu cầu mà bạn đã chọn. Bạn sẽ còn khoảng 20-30 chỗ nghĩ khác nhau cho bạn lựa chọn. Bạn lướt qua các Chỗ Nghỉ đó, dựa vào số đánh giá, hình ảnh và vị trí để cân nhắc. 

Nhưng …. vẫn còn đến 4-5 địa điểm khác nhau mà bạn chưa biết phải chọn Chỗ Nghỉ nào. Bạn sẽ làm gì? 

Nếu mình đoán không lầm … và giống như phần lớn hành vi của khách hàng. Bạn sẽ dùng Google và Facebook tìm kiếm thêm thông tin về các Chỗ Nghỉ này. Và nếu bạn tìm thấy chỗ nghỉ nào có thông tin trên Facebook thu hút hơn. Nó làm bạn cảm thấy tin tưởng về chất lượng, dịch vụ và về cách Chủ Nhà xây dựng thông tin trên Facebook. Bạn sẽ quyết định lựa chọn nó. Đó chính xác là điều đang diễn ra đối với phần lớn hành vi khách hàng.

Hành vi của khách hàng trong việc đặt phòng

Khách hàng sử dụng facebook để ra quyết định. Nó là cảnh cửa cuối cùng để họ quyết định có Đặt Phòng chỗ nghỉ của bạn.

Ví dụ trên là một minh họa cho bạn thấy tầm quan trọng của việc xây dựng nội dung quảng cáo trên Facebook và các kênh social khác. Và nếu bạn quyết định muốn xây dựng fanpage của mình trở thành một kênh mà một khi ghé thăm, họ sẽ trở thành khách hàng của bạn. Hãy tiếp tục khám phá các bước mà mình sẽ chia sẻ bên dưới.

Nếu bạn chọn chiến lược quảng cáo homestay trên facebook là chiến lược chính của bạn thì đây chính là nội dung dành cho bạn.

Ở phần cuối của bài viết, bạn sẽ tìm thấy template mẫu về cách làm kế hoạch nội dung cho facebook mà bạn có thể áp dụng cho Chỗ Nghỉ của mình.

Những sai lầm thường gặp về xây dựng nội dung quảng cáo facebook homestay

Khi khách hàng tìm thấy fanpage của bạn. Họ đã bắt đầu hứng thú về Chỗ Nghỉ của bạn. Và bạn chỉ cần nỗ lực một chút thôi, họ sẽ trở thành khách hàng của bạn.

Trước khi bạn có thể lên kế hoạch và cách thức để xây dựng nội dung cho fanpage. Chúng ta hãy tìm hiểu một chút về những sai lầm mà mọi người thường gặp phải, nó bao gồm:

  • Tập trung quá nhiều vào các bài bán hàng

  • Hành động thiếu kế hoạch và không thường xuyên

  • Sử dụng hình ảnh và văn phong không phù hợp 

Tập trung quá nhiều vào các bài bán hàng: 

Đây là một sai lầm thường gặp đối với các bạn không có nhiều kinh nghiệm làm marketing hoặc khi đội ngũ của bạn quá chú trọng vào doanh số bán hàng. Điều này gây ra một áp lực và mọi người bắt đầu nghĩ rằng có nhiều chương trình ưu đãi hoặc tăng số lượng bài chốt đơn để tăng tỉ lệ có đơn đặt phòng. Điều này là một sai lầm, nó tạo ra hiệu ứng ngược lại. Khách hàng sẽ quay xe 180 độ khi thấy có quá nhiều bài bán hàng. Khách hàng sẽ cảm thấy rằng bạn đang quá chú trọng vào bán hàng, và như vậy có thể chỗ nghỉ của bạn không phải là một nơi tốt về dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Nếu bạn muốn tăng tỉ lệ đơn đặt phòng. Hãy ưu tiên tối ưu nó trên OTA (Airbnb/Booking.com, Traveloka …), chạy quảng cáo hoặc đăng bài vào một số nhóm chuyên dành để chốt đơn, đừng làm điều đó trên fanpage chính của homestay.

Nên nhớ, khách hàng ghé vào fanpage của bạn không phải để xem bạn có chương trình giảm giá nào hay không. Họ tìm kiếm thông tin về dịch vụ của bạn như thế nào và để xem bạn có hiểu “nhu cầu” mà họ đang tìm kiếm không.

Bạn cần phải biết cách viết nội dung để “CHẠM” vào cảm xúc của khách hàng.

Hành động thiếu kế hoạch và không thường xuyên

Trừ khi bạn là một “chuyên gia marketing” hoặc đã master kỹ năng “đăng bài facebook”. Việc thiếu kế hoạch, hành động theo cảm tính sẽ dẫn đến những vấn đề sau:

Nội dung facebook không được cập nhật thường xuyên: 

Đừng để fanpage của bạn bị “ẩm mốc” trong 1 tháng và chưa có bài đăng mới nhé. Có thể bạn không cần đăng quá nhiều, nhưng 1 tháng bạn cần tối thiểu 2 bài đăng để khách hàng biết rằng Chỗ Nghỉ của bạn đang hoạt động khá “active” và thường xuyên được khách hàng ghé thăm.

Không biết nên viết nội dung gì tiếp theo: 

Thực tế là chúng ta viết nội dung theo mạch cảm hứng và cảm xúc. Và nếu bạn không biết mình đang làm gì. Bạn sẽ không biết mình cần phải viết hoặc chuẩn bị gì. Với một kế hoạch rõ ràng và mục tiêu cụ thể. Nó sẽ giúp bạn tập trung và biết cần phải chuẩn bị nội dung gì cho bài đăng kế tiếp. Trong phần tiếp theo, mình sẽ gợi ý một số dạng nội dung và một file mẫu kế hoạch bạn có thể sử dụng để lên kế hoạch nội dung cho fanpage.

Thiếu sự mạch lạc về tổng thể:

Khi khách hàng ghé thăm facebook homestay của bạn, họ sẽ dành khoảng 1 phút để lướt qua khoảng 5,6 bài đăng gần đây của bạn. Và trong 1 phút này, họ quyết định có hứng thú với chỗ nghỉ của bạn hay không.

Để làm điều đó, các nội dung bạn đăng cần được xen kẽ với nhiều dạng nội dung khác nhau để tạo cảm hứng và ấn tượng với khách hàng. 

Bạn có thể tổ chức các bài đăng khác nhau tạo thành một mạch truyện để gây ấn tượng với cảm xúc của khách hàng. Bạn có thể hiểu rõ hơn về điều này trong ví dụ ở phần tiếp theo: “Khách hàng tìm kiếm gì khi ghé thăm facebook của nhà bạn?”

Khi các bài đăng trên fanpage thiếu sự kết nối, ví dụ như bạn liên tục đăng các bài viết về “nội thất bên trong”, thay vì xen kẽ giữa: “đánh giá của khách hàng”, “địa điểm vui chơi gần đây”, “nội thất bên trong” v.v… nó tạo ra một cảm giác nhàm chán khi khách hàng ghé thăm facebook. 

Bạn chỉ có 1 phút để gây ấn tượng với khách hàng khi họ ghé thăm Fanpage.

Sử dụng hình ảnh và văn phong không phù hợp 

Con người chúng ta dễ bị kích thích bởi hình ảnh. Bộ não của chúng ta xử lý hình ảnh nhanh hơn so với các thông tin khác. Vì vậy, hãy dành thời gian để chọn hình ảnh phù hợp cho một bài viết. 

Tương tự như vậy cho phong cách viết, hãy viết theo cách để ngôn ngữ của bạn chạm đến Cảm Xúc của khách hàng. Hãy đặt vị trí của bạn vào vai trò của khách hàng khi viết và làm sao để bài viết của bạn trở thành một câu chuyện chạm vào Tâm Hồn của họ.

Khách hàng tìm kiếm gì khi ghé thăm Facebook homestay của nhà bạn?

Hãy tưởng tượng, bạn đang muốn tìm kiếm 1 chỗ nghỉ vào 2 ngày cuối tuần để cùng gia đình thư giãn và giảm stress. Bạn nghĩ một chỗ nào đó không cách xa quá thành phố, tiện đi lại và có nhiều cây xanh sẽ là một vị trí thích hợp.

Bạn tìm thấy 2 chỗ mà bạn cảm thấy ưng ý, bạn không chắc chỗ nào sẽ phù hợp hơn với bạn. Và bạn tìm kiếm thêm thông tin của họ trên facebook.

Khu A không có nhiều thông tin lắm trên Facebook, bài cuối cùng họ đăng đã cách đây hơn 1 tháng. Nội dung không được cập nhật thường xuyên và bạn không biết hình ảnh thật sự bên trong và không gian xung quanh chỗ đó sẽ như thế nào.

Trong khi đó, với khu B bạn tìm thấy facebook của họ với nhiều thông tin hơn. Bạn lướt vào facebook của họ:

Ở bài đầu đăng mới nhất, bạn thấy hình ảnh một nhóm người đang ngồi quanh đống lửa, một vài khuôn mặt nở nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc. Nó tạo cho bạn một cảm giác ấm cúng và thân thương. Bạn cảm thấy nơi này giúp bạn có thể kết nối với 2 đứa con của mình.

Ở bài tiếp theo, bạn tìm thấy bài đăng về hình ảnh giường ngủ cùng nội thất bên trong và kèm theo 1 ảnh khác về căn nhà được nhìn từ bên ngoài, nó nằm trên bãi cỏ xinh đẹp. Bạn biết rằng bạn sẽ được nghỉ trong một không gian như thế nào.

Và ở bài post thứ 3, bạn tìm thấy một bài post khác  họ chia sẻ về một thác nước bạn có thể ghé thăm và chỉ cách đó 5km.

Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn đã sẵn sàng để ra quyết định sẽ ở lại đây cho kỳ nghỉ vào cuối tuần này?

Khi khách hàng ghé thăm fanpage của bạn, họ muốn tìm hiểu xem:

  • Dịch vụ của bạn thế nào

  • Không gian lưu trú bên trong và bên ngoài

  • Những địa điểm ăn uống, khám phá gần đó

  • Khách hàng đến với bạn đã đánh giá về bạn như thế nào

  • ….

Khi khách hàng ghé thăm facebook của bạn, họ không chỉ tìm kiếm thông tin, họ còn tìm kiếm sự đồng điệu về mặt cảm xúc mà Chỗ Nghỉ của bạn sẽ mang lại. Họ sẽ tìm kiếm xem Chỗ Nghỉ của bạn có mang đến một Trải Nghiệm gì đó mới mẻ mà họ đang tìm kiếm.

Đến đây, bạn đã có cái nhìn sơ lược về việc khách hàng muốn tìm kiếm điều gì khi ghé thăm fanpage của bạn. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu hơn một chút về việc làm sao để xây dựng kế hoạch và nội dung cho fanpage nhé.

Một chút về Content Pillar

Nếu bạn làm trong lĩnh vực marketing hoặc bạn đã biết về marketing, chắc hẳn content pillar không phải là một từ mới lạ. Nếu bạn chưa thì cũng không sao cả. Mình sẽ giới thiệu một chút để bạn hiểu về thuật ngữ và cách mà chúng ta sẽ áp dụng nó để xây dựng kế hoạch nội dung cho facebook fanpage Chỗ Nghỉ của bạn.

Content pillar là một khái niệm trong marketing, thông thường, nó là 3 đến 5 chủ đề “trụ cột” mà từ đó bạn sẽ lên ý tưởng và xây dựng nội dung xung quanh chủ đề “trụ cột” này. 

Content pillar giống như danh mục (category) mà từ đó chúng ta bám vào để lên ý tưởng. Mỗi lĩnh vực và mỗi business sẽ có content pillar khác nhau. 

Với GoHost, tập khách hàng của tụi mình là bạn (chủ homestay), vì vậy content pillar của chúng mình sẽ xoay quanh các trọng tâm bao gồm: “Cách tối ưu OTA”, “Cách làm marketing”, “Tối ưu vận hành homestay” …

Với mô hình kinh doanh của bạn, nó có thể là: “Thông tin chỗ nghỉ”, “Địa điểm ăn uống, vui chơi”, “Feedback/câu chuyện lưu trú của khách hàng”, …

Content pillar giúp bạn định hướng ý tưởng cho nội dung và trả lời cho câu hỏi: “Loại nội dung nào mà đối tượng khách hàng của bạn sẽ quan tâm khi bạn nói về nó

Khi xác định đúng content pillar, nó giúp bạn có chủ đề để lên ý tưởng và kế hoạch cho các bài viết; tạo ra tính đồng bộ và thu hút được sự chú ý của khách hàng; và giúp bạn viết đúng nội dung hữu ích mà khách hàng cần.

Vậy làm sao để xây dựng content pillar và ứng dụng nó vào thực tế? Làm sao ứng dụng content pillar vào nội dung để quảng cáo homestay trên facebook?

Content pillar cho facebook fanpage homestay

Về mặt lý thuyết, có thể có rất nhiều bước phức tạp khác nhau để xác định đúng content pillar. Tuy nhiên, ở đây, chúng mình sẽ giới thiệu một số content pillar phổ biến đặc thù trong ngành kinh doanh homestay mà bạn có thể ứng dụng để lên kế hoạch content cho fanpage của mình.

Điều quan trọng nhất vẫn là bạn cần hiểu về đối tượng và đặc điểm hành vi nhóm khách hàng của mình để từ đó bạn có chiến lược về nội dung phù hợp.

Hiểu về phân khúc khách hàng

Mỗi homestay thường sẽ có một phân khúc khách hàng nhất định. Nhóm phân khúc khách hàng chính của bạn là nhóm chiếm tỉ lệ phần lớn tại Chỗ Nghỉ của bạn. 

Nếu bạn chưa bao giờ thử phân tích về nhóm đối tượng khách hàng của mình, việc này sẽ có thể làm bạn ngạc nhiên. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách bạn có thể phân tích về chân dung khách hàng của mình. Bước này giúp bạn hiểu sâu hơn về khách hàng của mình.

Khi bạn hiểu và định hình được nhóm khách hàng của mình, bạn sẽ định hình phong cách viết, nội dung và hình ảnh để phù hợp với nhóm khách hàng đó.

Dưới đây là một vài ví dụ về phân khúc khách hàng bạn có thể tham khảo. 

Phân khúc khách hàng gia đình và nhóm bạn bè

Với nhóm khách hàng này, mọi người sẽ cần những không gian chung để vui chơi, sinh hoạt. 

Bạn có thể tận dụng điều này lồng ghép vào các bài viết của mình. Nếu bạn có những không gian sinh hoạt chung, hãy tận dụng các hình ảnh đó. 

Và trong nội dung bài viết, bạn cũng nên nhấn mạnh yếu tố này. Khách hàng có thể hiểu rằng khi đến Chỗ Nghỉ của bạn. Họ sẽ có những khoảng thời gian vui vẻ cùng bạn bè và người thân.

Phân khúc khách hàng cặp đôi

Với nhóm khách hàng là cặp đôi, họ thường tìm kiếm không gian lãng mạn và riêng tư. Hãy nhấn mạnh nó trong nội dung của bạn.

Các cặp đôi cũng sẽ thích những khu vực ấn tượng để họ có thể chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau. Nếu bạn có những không gian như vậy, hãy dùng các ảnh “người thật” với những góc ảnh ấn tượng sẽ tạo ấn tượng tốt với nhóm đối tượng này.

Phân khúc khách hàng doanh nhân

Với nhóm khách hàng là doanh nhân, bên cạnh chỗ nghỉ sạch sẽ và thoải mái. Họ sẽ cần một không gian để có thể kiểm tra công việc. 

Hãy đề cập đến việc bạn có wifi tốc độ cao, cafe miễn phí và view “làm việc” cực thoải mái chẳng hạn. Những điểm này sẽ ăn điểm trong mắt khách hàng. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể chia nhỏ phân khúc khách hàng của mình. Ví dụ khách hàng doanh nhân trong nước và khách hàng doanh nhân nước ngoài. Bằng cách bạn phân tích và hiểu rõ về hành vi và mong đợi của khách hàng. Bạn sẽ có thêm ý tưởng về nội dung và định vị phong cách viết nội dung phù hợp.

Thực hành: phân tích chân dung khách hàng

Để phân tích nhóm khách hàng của mình, bạn hãy phân nhóm các đối tượng thường ghé thăm chỗ nghĩ của bạn thành các nhóm khác nhau. Bạn nên tách ra khoảng 3 đến 5 nhóm. Và với mỗi nhóm, hãy điền các thông tin sau:

Tên nhóm: 

Đặt điểm: 

  • Độ tuổi

  • Mức thu nhập

  • Công việc

  • Khu vực sinh sống/quốc gia

  • Trình trạng hôn nhân

Mong muốn của khách hàng khi đến chỗ nghỉ của bạn là gì?

Mỗi nhóm khách hàng thường có những nhu cầu và đặt điểm khác nhau. Khi bạn liệt kê nó thành các nội dung cụ thể, nó giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về khách hàng của mình.

Nhóm content pillar phổ biến cho homestay

Như bạn đã hiểu, content pillar là các nhóm nội dung để giúp bạn có ý tưởng và phục vụ cho bước làm kế hoạch. Dưới đây là một số nhóm content pillar phổ biến cho mô hình kinh doanh homestay. Bạn có thể sử dụng để lên ý tưởng cho facebook Chỗ Nghỉ của bạn 

Không gian chỗ nghỉ

Không gian về chỗ nghỉ tất nhiên là quan trọng. Khách hàng sẽ quan tâm cả về nội thất bên trong chỗ nghỉ và không gian xung quanh. Thay vì đăng 1,2 ảnh thông thường. Bạn có thể sáng tạo và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau cho các bài đăng của bạn. Một số ý tưởng bạn có thể tham khảo nhé:

  • Thể hiện ảnh không gian xung quanh

  • Thể hiện đầy đủ nội thất và tiện ích bên trong phòng

  • Ảnh hoàng hôn qua khu vực chỗ nghỉ của bạn

  • Hình ảnh không gian với những góc nhìn độc đáo

Với mỗi bài đăng về không gian, bạn có thể lồng ghép với nội dung câu chuyện: ý tưởng chung của căn phòng này là gì, nó mang đến cảm xúc gì.

Ảnh minh họa cách quảng cáo homestay trên facebook

Nếu homestay của bạn không có nhiều không gian bên ngoài, bạn có thể chú trọng vào một góc nhỏ nào đó: góc đọc sách, cafe hoặc một bông hoa trong phòng cũng có thể trở thành điểm nhấn.

Một bài viết về điểm nhấn trong không gian homestay/airbnb

Feedback của khách hàng

Nếu bạn làm tốt công việc của mình, có thể bạn sẽ để lại những feedback cực kỳ dễ thương mà khách hàng để lại. Hoặc bằng một cách khéo léo, bạn cũng có thể chủ động hỏi họ để lại một ít feedback về bạn nếu bạn thấy họ happy với kỳ nghỉ khi lưu trú tại Chỗ Nghỉ của bạn.

Bạn có thể sử dụng những nội dung này thành các bài đăng trên Facebook. Khách hàng mới sẽ cảm thấy tin tưởng về Chỗ Nghỉ của bạn.

Feedback của khách hàng về homestay được đăng trên facebook

Địa điểm ăn uống/ tham quan

Khách hàng không chỉ tìm kiếm một chỗ để lưu trú, họ tìm kiếm một trải nghiệm. Và khách hàng đến với bạn có thể là lần đầu tiên họ đến thành phố của bạn. Bạn có thể tạo những bài viết chia sẻ về các địa điểm ăn uống và tham quan trong khu vực của bạn.

Khách hàng sẽ trân trọng sự giúp đỡ của bạn.

Cách đăng bài quảng cáo giới thiệu về địa điểm ăn uống trên facebook

GoHost cũng có tính năng “Khám Phá” giúp bạn tạo các nội dung giới thiệu về địa điểm ăn uống, tham quan và các hướng dẫn khác. Nếu có một website, bạn có thể dẫn liên kết này để khách có thể tham khảo được nhiều thông tin hơn hoặc bạn cũng có thể gửi link trực tiếp cho khách hàng.

GoHost giúp khách hàng tạo bài viết giới thiệu homestay

Hình ảnh & cảm xúc của khách hàng

Nếu khách hàng cho phép, bạn có thể sử dụng hình ảnh của khách hàng khi họ ghé thăm Chỗ Nghỉ của bạn. Hình ảnh khách hàng check-in cùng với nụ cười hạnh phúc, hoặc một bức ảnh chill đẹp chắc chắn là một hình ảnh thuyết phục cho bất kỳ ai ghé thăm facebook homestay nhà bạn.

Kỳ lễ/ sự kiện quốc gia

Một số kỳ nghỉ hoặc lễ lớn như Giáng Sinh, Năm mới; bạn đừng quên đăng một bài viết chúc mừng hoặc hình ảnh về khu vực của bạn đang được chuẩn bị để đón mừng nó như thế nào. 

Nó tạo cảm giác khu vực của bạn là một nơi ấm cúng, có nhiều cảm xúc tích cực, sự chỉnh chu và chú trọng vào công việc mà bạn đang làm. 

Dịch vụ khác

Nếu homestay hoặc chỗ nghỉ của bạn có các dịch vụ khác như dịch vụ ăn uống, đưa đón sân bay, giặt ủi, đốt lửa v.v… Hãy viết và chia sẻ những câu chuyện về chúng. 

Đừng chỉ đơn thuần nói rằng: “Dịch vụ đưa đón sân bay với giá …”, mà hãy biến chúng thành những câu chuyện đầy cảm hứng. Hãy để khách hàng biết rằng bạn không chỉ làm dịch vụ để kiếm thêm tiền. Mà bạn đang làm chúng với cảm hứng và trọn vẹn bằng cả sự chân thành và trái tim của bạn. Bạn mong muốn mang điều tốt nhất đến với khách hàng của bạn.

Cảm hứng cá nhân

Hãy chia sẻ những câu chuyện nhỏ đầy cảm hứng như: ý nghĩa của việc đặt tên các căn phòng trong homestay, vì sao góc vườn này lại trồng rất nhiều hoa hồng, hay khoảnh khắc đáng yêu của chú chó/mèo tại homestay đang đón chờ khách hàng đến…

Những bài viết cảm hứng cá nhân luôn làm cho khách hàng như đang trải nghiệm một phần trong đó, thông thường họ sẽ không đơn thuần tìm một nơi để ở khi đi du lịch mà còn kiếm những trải nghiệm giàu sự chân thành và tâm huyết từ chủ nhân căn homestay đó nữa, vì thế chủ đề này dễ dàng thu hút bởi nét độc đáo, vừa tạo được ấn tượng mạnh mẽ về một không gian sống ý nghĩa, thậm chí khi cảm nhận được sự gần gũi thì họ còn sẵn sàng tương tác tích cực như chia sẻ ý kiến, đề xuất ý tưởng hay kinh nghiệm cá nhân nữa.

Cách viết về cảm hứng cá nhân đầy cảm xúc về homestay trên facebook

Phát triển nhóm content pillar của riêng bạn

Dựa trên những gợi ý ở trên, chắc hẳn bạn đã nắm được lý do tại sao chúng ta cần content pillar và content pillar là gì. Bạn có thể tự mình chọn, điều chỉnh và phát triển thêm các dạng content pillar khác theo mà bạn thấy phù hợp với định hướng của mình.

Bạn cũng có thể tìm hiểu và nghiên cứu một chút về các fanpage homestay khác xem thử họ đã làm các dạng nội dung như thế nào mà bạn cảm thấy thu hút. Để từ đó, bạn có thêm ý tưởng riêng của mình.

Ở bước tiếp theo, chúng ta sẽ sử dụng các content pillar để “lắp ghép” các ý tưởng vào một kế hoạch hoàn chỉnh.

Xây dựng kế hoạch viết nội dung facebook cho homestay

Bạn còn nhớ một số sai lầm mình có đề cập ban đầu và lý do tại sao chúng ta cần xây dựng kế hoạch? 

Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi không lên kế hoạch trước. Việc dành thời gian để suy nghĩ và lên kế hoạch trước giúp bạn có một chiến lược tổng thể và hoàn thiện ý tưởng cũng như nội dung cho bài từng bài viết của mình.

Facebook cho phép bạn lên lịch đăng bài trước, điều này sẽ cực kỳ hữu ích để giúp bạn lên lịch đăng bài mà không cần phải canh giờ để post bài. Hãy tận dụng điều này.

Cơ bản, việc lên kế hoạch là chúng ta sẽ lên ý tưởng trước về nội dung sẽ đăng vào ngày nào, giờ nào. Dưới đây sẽ là một vài tips hữu ích có thể giúp bạn trong việc lên kế hoạch:

Lên ý tưởng và phân bổ nội dung theo content pillar

Về cơ bản, việc lên kế hoạch là bạn cần chọn ý tưởng về việc bạn sẽ đăng nội dung nào và thời gian nào. Bạn sẽ cần tìm cảm hứng và suy nghĩ về các ý tưởng các nhau cho các thời gian khác nhau để làm sao nội dung bạn post cho lần tiếp theo sẽ không trùng với lần post trước.

Bạn có thể phân bổ nội dung theo content pillar mà bạn đã chọn. Với mỗi content pillar bạn có thể liệt kê danh sách các ý tưởng liên quan đến content pillar đó. Và sau đó bạn sắp xếp nội dung theo content pillar trải đều cho các ngày khác nhau.

Ví dụ, nếu thứ 2 tuần này, bạn dự kiến đăng nội dung về “cảm nhận của khách hàng”, thì ở bài post tiếp theo, bạn nên chọn nội dung trong một content pillar khác, ví dụ như sẽ là “không gian về chỗ nghĩ” hoặc “địa điểm ăn uống/tham quan”. 

Việc phân bổ như thế này giúp nội dung của bạn không bị trùng lặp và tại một thời điểm nhất định. Khách hàng mới ghé thăm có thể thấy sự đa dạng về nội dung và chạm đến cảm xúc của họ.

Nên chuẩn bị kế hoạch từ 2 đến 4 tuần

Bạn sẽ cần chọn tần suất mà bạn muốn đăng nội dung lên fanpage của mình. Có thể là 2 hoặc 1 bài mỗi tuần. Nếu fanpage của bạn là fanpage mới. Bạn có thể đăng 2 bài mỗi tuần. Nếu homestay của bạn đã đi vào ổn định, bạn có thể giảm tần suất lại 1 bài mỗi tuần hoặc 2 tuần 1 bài. Điều quan trọng là hãy để fanpage của bạn được cập nhật.

Làm sao để có ý tưởng nội dung

Mặc dù bạn đã có content pillar, một công cụ giúp bạn lên ý tưởng. Tuy nhiên, việc có ý tưởng mới liên tục không phải là điều dễ dàng.

Nếu bạn làm một chủ homestay nhỏ và bạn đang tự mình làm công việc này. Hãy để tình yêu của bạn với ngôi nhà trở thành cảm hứng cho các ý tưởng bạn. Cảm hứng có thể đến với bạn bất kỳ lúc nào. Và khi ý tưởng đến, hãy ghi chú nó vào điện thoại hoặc bất kỳ công cụ nào mà bạn cảm thấy quen thuộc.

Và vào một ngày nào đó mỗi tuần mà bạn ngồi xuống để xem lại kế hoạch viết nội dung fanpage, hãy sử dụng những ý tưởng đó.

Bạn cũng có thể tìm kiếm ý tưởng mới bằng cách tìm kiếm và lưu lại danh sách một số fanpage làm homestay tương tự đã làm tốt công việc của họ. Việc nghiên cứu cách mà người khác đã làm có thể mang lại cho bạn nhiều ý tưởng.

Triển khai một nội dung mang đến cảm xúc cho người đọc

Hãy nhớ rằng, con người chúng ta ra quyết định dựa trên cảm xúc. Cảm xúc mang lại cảm hứng và động lực mạnh mẽ. Cảm xúc cũng là yếu tố gắn kết con người chúng ta lại với nhau.

Và với mỗi nội dung bạn viết, hãy thực sự để mạch cảm xúc của bạn vào nội dung. Hãy để bài viết trở thành những câu thơ với đầy cảm hứng về tình yêu, sự chân thành, niềm vui, hân hoan …

Những cảm xúc tích cực này sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ và chạm đến khách hàng tiềm năng của bạn. Đó cũng là điều mà họ đang tìm kiếm cho một kỳ nghỉ. Khách hàng sẽ kết nối với bạn khi họ thấy những rung động của bạn chạm đến điều mà họ đang tìm kiếm.

Lên lịch và chọn thời gian đăng bài

Và cuối cùng, facebook có chức năng lên lịch đăng bài. Bạn hãy tận dụng chức năng này. Việc này giúp bạn lên lịch đăng bài trước cho 1, 2 tuần mà bạn không cần phải canh thời gian để đăng bài.

Ở đây, tụi mình có chuẩn bị cho bạn một file template google sheet mẫu về lập kế hoạch đăng nội dung cho facebook fanpage. Bạn có tham khảo tại đây

Duyen

Airbnb Superhost
4.95
4 năm kinh nghiệm Airbnb với 4.95 rating từ 480 lượt đánh giá